Chủ Nhật, 16 tháng 11, 2014

Dùng thuốc trong hội chứng thận hư

Mẹ tôi bị hội chứng thận hư, đã điều trị nhưng lại hay bị tái phát. Hiện nay, mẹ tôi đang bị phù toàn thân.

 

Xin cho biết làm thế nào để điều trị bệnh? Tôi xin cảm ơn!
(Nguyễn Thị Lụa - Bắc Ninh)

Thận hư là một bệnh mạn tính, diễn biến với các đợt bột phát. Dưới tác dụng điều trị sẽ làm thuyên giảm bệnh hoàn toàn. Nhưng bệnh thường tái phát, do đó phải theo dõi lâu dài nhiều năm và bệnh nhân phải tuân thủ chế độ điều trị.
Về thuốc, điều trị đặc hiệu có liệu pháp corticoid. Ở đợt phát bệnh đầu tiên, giai đoạn tấn công thì sử dụng prednisolon. Nếu thấy đáp ứng điều trị thì tiếp tục điều trị prednisolon cách ngày trong vòng 4-6 tuần, sau đó giảm dần liều. Phải duy trì prednisolon kéo dài hàng năm theo chỉ định.
Nếu bệnh nhân không đáp ứng prednisolon thì cần phải sinh thiết thận và dựa vào kết quả mô bệnh học để có hướng điều trị tiếp.
Để điều trị đợt tái phát của bệnh, cũng phải tùy theo thể. Ở thể ít tái phát (nghĩa là dưới 1 lần trong 6 tháng) thì có thể điều trị như đã nêu ở trên. Còn ở thể hay tái phát (từ 2 lần tái phát trở lên trong 6 tháng) hay phụ thuộc corticoid thì phải điều trị liều tấn công như đợt đầu cho đến khi xét nghiệm thấy hết protein niệu. Phải dùng liều duy trì kéo dài và giảm dần liều cho đến 1 năm.
 
Corticoid là thuốc chống viêm, làm giảm đáp ứng miễn dịch, thuốc đào thải qua nước tiểu và mật, có thể gây nhiều tác dụng phụ như: teo cơ, loét dạ dày, loãng xương, rối loạn tâm thần, cao huyết áp, đái tháo đường…
 
Do vậy, cần cân nhắc dùng thuốc trong trường hợp bệnh nhân có các bệnh mạn tính kèm theo như: tăng huyết áp, đái tháo đường, loét dạ dày tá tràng, động kinh. Khi dùng thuốc, cần theo dõi cân nặng, đo huyết áp, glucose máu. Để hạn chế các biến chứng, cần uống thuốc sau khi ăn no, không lạm dụng thuốc và tuân thủ đúng phác đồ điều trị, khi có tai biến cần phải ngừng thuốc và xử trí kịp thời.
Các thuốc ức chế miễn dịch cũng được chỉ định dùng trong trường hợp bệnh hay tái phát, phụ thuộc, kháng hoặc có biểu hiện ngộ độc corticoid. Các loại thuốc đó là cyclophosphamid hoặc clorambucil điều trị trong 8 tuần hoặc cyclosporin trong  6-12 tháng.
Khi dùng các thuốc ức chế miễn dịch sẽ làm giảm khả năng đề kháng của cơ thể. Vì vậy, có thể phải uống thêm thuốc tăng cường miễn dịch.
Ngoài điều trị các đợt tái phát của bệnh, còn phải điều trị triệu chứng. Bởi trong giai đoạn đầu của hội chứng thận hư, khi bệnh nhân chưa đáp ứng với điều trị, các biện pháp điều trị này có thể là cần thiết và đây là các biện pháp điều trị duy nhất cho những bệnh nhân có hội chứng thận hư dai dẳng không đáp ứng với bất cứ một biện pháp điều trị đặc hiệu nào.
Giảm phù:
Trong giai đoạn phù to, phải ăn nhạt tuyệt đối. Giai đoạn phù ít thì chỉ cần ăn nhạt tương đối, tức là mỗi ngày ăn khoảng 5gr muối (lưu ý là trong nước mắm, mỳ chính cũng có chứa muối).
Dùng thuốc lợi tiểu.
Bù protein cho cơ thể bằng cách tăng protein trong thức ăn (nhu cầu người bình thường cần ăn khoảng 200gr thịt nạc, bệnh nhân thận hư cần ăn khoảng 300gr/ngày), truyền plasma, albumin.
Dùng thuốc hạ huyết áp.
Điều trị kháng sinh khi có nhiễm khuẩn.
Các thuốc khác: Vitamin D2, canxi, yếu tố vi lượng… nhằm hạn chế tác dụng phụ của corticoid và hậu quả của protein niệu.
Ngoài ra còn cần theo dõi nước tiểu 24 giờ; cân nặng; huyết áp; nhiệt độ; xét nghiệm protein niệu 24 giờ, xét nghiệm mỗi tuần/lần; ure, creatinine máu xét nghiệm 2 lần/tuần, xét nghiệm công thức máu.
Trên đây là tóm tắt sơ qua về phác đồ điều trị hội chứng thận hư nói chung. Còn đối với từng bệnh nhân thì phải được khám kỹ lâm sàng mới đưa ra loại thuốc và hàm lượng cũng như thời gian điều trị cụ thể. Do đó, bạn nên đưa mẹ đến bệnh viện để được điều trị bệnh.
 
 (Theo Sức khỏe & Đời sống)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét