Thứ Sáu, 7 tháng 11, 2014

Bảo vệ thận khi thận còn khỏe!

Nội tạng nào cũng có nhiệm vụ quan trọng nhưng ta thường thiên vị cho trái tim, bộ não chứ ít nghĩ đến thận vì thường đồng hóa cơ quan này với chức năng tiểu tiện.

 

Thực ra, thận là cơ quan tối quan trọng vì ngày đêm không ngừng lọc máu và điều chỉnh lượng nước trong cơ thể, kể cả khi chủ nhân ngủ say. Không chỉ có thế, thận còn tham gia trong tiến trình biến dưỡng sinh tố D để chất vôi nhờ đó ở lại trong mô xương thay vì thất thoát, đồng thời phóng thích nhiều nội tiết tố quan trọng như erythropoetin để tạo hồng cầu, reinin để điều chỉnh huyết áp… Chính vì thế, thận suy thì chủ nhân không chỉ rối loạn chức năng bài tiết nước tiểu mà còn nguy cơ cao bị cao huyết áp, thiếu máu, rối loạn chất điện giải…

Nhờ cấu trúc bao gồm không dưới 2 triệu đơn vị được thầy thuốc đặt tên là cầu thận mà trái thận lọc máu bằng cách thải phế phẩm trong máu qua đường tiểu, trả lại cho cơ thể những chất còn dùng được. Nếu vì lý do nào đó mà các thành phần rất nhạy cảm này bị thương tổn đến mức thận không kham nổi công việc giải độc thì khi đó tình trạng suy thận xuất hiện, chủ nhân chỉ còn trông cậy vào chiếc máy lọc thận và cuộc sống khó còn chất lượng như mong muốn vì phải lệ thuộc vào lịch lọc thận, vào chế độ dinh dưỡng khắt khe.
 
Ảnh minh họa
 
Do đó, cách tốt nhất để đừng suy thận là bảo vệ thận khi thận còn khỏe. Đừng quên, theo thống kê mới nhất ở CHLB Đức, 25% người suy thận là do hậu quả của bệnh đái tháo đường, 10% là do lạm dụng thuốc giảm đau. Cả hai trường hợp này đều đang rất phổ biến ở nước ta vì bệnh đái tháo đường vẫn chưa được quan tâm đúng mức, vì thuốc giảm đau vẫn được bán bất cần toa thuốc.

Vấn đề lại không chỉ có thế. Éo le chính ở chỗ thận là cơ quan ít lên tiếng. Rối loạn chức năng thận, trước khi đi đến giai đoạn suy thận thường ít khi có triệu chứng báo động hoặc nếu có thì lại mơ hồ khiến nạn nhân, kể cả không ít thầy thuốc, quên để ý đến thận.
Chính vì thế mà cần khám thận khi phát hiện các dấu hiệu sau đây: Đau âm ỉ ở vùng bẹ sườn dù không vận động nặng, có những cơn đau quặn lan xuống bọng đái dù không mắc tiểu, tiểu ra máu, nặng mí mắt khi ngủ dậy, phù mắt cá dù ngồi yên nhiều giờ, tê bàn tay, bàn chân, biếng ăn kéo dài, buồn nôn không liên quan đến bữa ăn, đau đầu sau vài giờ làm việc, mệt mỏi dù không lao tâm lao lực, hôi miệng, ngứa ngoài da dù đã dùng thuốc chống dị ứng, rụng tóc, gãy móng tay vô cớ, mắt quầng thâm dù ngủ đủ giấc.

Tội nghiệp cho trái thận đa đoan với công việc nặng nhọc nhưng không được đối xử công bằng. Ngoại trừ trường hợp dị tật bẩm sinh hay chấn thương do xui xẻo, thận mấy khi suy kiệt trong ngày một ngày hai. Trong đa số trường hợp, nếu đến độ phải lọc thận bằng máy là vì gia chủ trước đó đã vô tình hờ hững.
 (Theo BS Lương Lễ Hoàng - Người lao động)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét