Thứ Sáu, 7 tháng 2, 2014

Các bệnh lý có thể dẫn đến suy thận mạn tính

Suy thận mạn là một hội chứng lâm sàng và sinh hóa tiến triển qua nhiều năm tháng. Bệnh có thể xuất hiện do những nguyên nhân khác nhau, trong đó liên quan nhiều đến tăng huyết áp, vấn đề tim mạch, đái tháo đường và các bệnh lý tại thận.
Thông thường, suy thận mạn tính được chia ra làm hai loại: loại thứ nhất là suy thận do những bệnh khác gây nên như đái tháo đường, tăng huyết áp. Hai bệnh này gây ra hơn 60% các trường hợp suy thận mạn tính. Vì vậy, nếu bệnh nhân đã mắc đái tháo đường hoặc tăng huyết áp thì phải cố gắng giữ chỉ số đường huyết và huyết áp ở ngưỡng bình thường để ngăn ngừa nguy cơ dẫn tới suy thận. Loại bệnh mạn tính thứ hai là suy thận do những bệnh lý tại thận gồm: viêm thận, lupus ban đỏ , viêm mô thận do thuốc gây ra; sỏi thận, viêm cầu thận...
Các bệnh lý có thể dẫn đến suy thận mạn tính
Ảnh minh họa
Suy thận mạn tính có thể ảnh hưởng đến tim mạch, gây tăng huyết áp, suy tim, gây chán ăn, buồn nôn, viêm loét dạ dày... Có rất nhiều nguyên nhân gây suy giảm chức năng thận, vì vậy, phương pháp điều trị tùy thuộc nguyên nhân gây bệnh. Thông thường, người bệnh được cho thuốc ổn định huyết áp, thuốc lợi tiểu nếu bị phù và thuốc hạ mỡ máu nếu bị mỡ máu cao. Ngoài ra, bệnh nhân phải hạn chế muối và những thức ăn có nhiều chất photpho hoặc kali. Khi đã bị suy thận đến giai đoạn cuối (chức năng thận chỉ còn 10-15%), ghép thận là giải pháp tối ưu để duy trì sự sống. Tuy nhiên, phương pháp này cần chi phí cao, hạn chế về nguồn thận cung cấp, đồng thời có nguy cơ thải ghép sau phẫu thuật.
Hiện nay, xu hướng đang được nhiều bác sĩ và bệnh nhân tin tưởng lựa chọn là sử dụng bổ sung các sản phẩm nguồn gốc thiên nhiên, hiệu quả bền vững, tiết kiệm chi phí, không gây tác dụng phụ khi dùng lâu dài, tiêu biểu trong số đó là thực phẩm chức năng Ích Thận Vương. Sản phẩm có thành phần chính là cây dành dành có hoạt tính sinh học cao, kết hợp với các dược liệu quý khác như: đan sâm, hoàng kỳ, trầm hương, râu mèo, mã đề, linh chi đỏ,... nên giúp thận tăng khả năng đào thải các chất độc ứ đọng ra ngoài cơ thể, phòng ngừa ở những người mắc các bệnh nguy cơ dẫn đến suy thận, hỗ trợ kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng, làm chậm tiến trình suy thận…
Bên cạnh việc sử dụng Ích Thận Vương, bệnh nhân cần thực hiện chế độ ăn uống hợp lý, uống từ 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày, không nên dùng nhiều thức uống như trà, cà phê... Những người mắc các bệnh nguy cơ như: đái tháo đường, tăng huyết áp, sỏi thận… nên thường xuyên kiểm tra đánh giá chức năng thận để có biện pháp phòng ngừa suy thận kịp thời.

Thu Hương

Thận hư, cần ăn món gì?

Hội chứng thận hư là một hội chứng lâm sàng và sinh hóa, xuất hiện khi có tổn thương ở cầu thận do nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau, đặc trưng bởi phù, protein niệu cao, protein máu giảm, rối loạn lipid máu và có thể đái ra mỡ.
Khi mắc hội chứng thận hư, bệnh nhân thường bị suy dinh dưỡng do thiếu protein - năng lượng do mất nhiều protein qua đường nước tiểu kèm theo chán ăn do giảm dịch ruột, phù gan và nội tạng. Hội chứng thận hư kéo dài sẽ dẫn đến tiêu cơ bắp, rụng tóc. Tình trạng thiếu dinh dưỡng còn góp phần làm tăng tình trạng mắc các bệnh nhiễm khuẩn trong hội chứng thận hư như: viêm phúc mạc tiên phát, viêm phổi, viêm cơ, lao phổi... Cho nên ngoài việc điều trị bằng thuốc, chế độ ăn trong hội chứng thận hư cũng đóng vai trò hết sức quan trọng giúp cơ thể tăng sức đề kháng và chống lại các rối loạn về thành phần sinh hóa trong máu.
Thận hư, cần ăn món gì? 1
Thực phẩm nên ăn
Người bị hội chứng thận hư nên ăn nhiều chất đạm tuỳ theo cân nặng cơ thể. Chất đạm lấy từ thịt, cá nước ngọt, sữa, trứng... Trứng có thể sử dụng 2 quả/tuần. Tránh thịt muối, cá biển. Nên ăn nhiều rau, quả tươi như: giá đỗ, xoài, cà rốt, cam, đu đủ để có đủ vitamin E, A, C. Nếu bệnh nhân đái ít, hàm lượng kali máu cao thì hạn chế bớt rau, quả. Lượng nước ăn và uống hàng ngày bằng lượng nước tiểu đái ra ngày hôm trước cộng thêm 500ml.
Thận hư, cần ăn món gì? 2
 Hạn chế ăn phủ tạng động vật như lòng, tràng, gan, dạ dày...
Thực phẩm cần hạn chế
Giảm ăn muối và mỳ chính. Không uống rượu, bia. Nên ăn giảm chất béo, mỡ (20-25g/ngày). Dùng dầu thực vật. Hạn chế các phủ tạng như óc, lòng, tim, gan, thận (cật) vì nhiều cholesterol. Khi chế biến các thức ăn nên sử dụng dưới dạng hấp, luộc, hạn chế các mún xào, rán, quay.
Nguyên tắc ăn: đảm bảo đủ năng lượng từ 35-40 Kcalo/kg/ngày. Chẳng hạn với một người bệnh có cân nặng 50kg thì năng lượng cần cho một ngày từ 1.750 -2.000 Kcal/ngày. Sau đây là thực đơn cụ thể cho người hội chứng thận hư không tổn thương cầu thận:
 
Giờ ăn
Thứ 2+5
Thứ 3+6+CN
Thứ 4+7
7 giờ
Cháo thịt nạc
Gạo 30g
Thịt nạc 20g
Phở thịt nạc
Phở 150g
Thịt nạc 30g
Miến thịt nạc
Miến 70g
Thịt nạc 30g
11 giờ 30 phút
Cơm (gạo 150g)
Rau muống luộc 200g
Bắp cải nhồi thịt hấp (thịt 30g)
Gà luộc 80g
Nước cam (cam 200g, đường 20g)
Cơm (gạo 150g)
Thịt nạc luộc 30g
Cá chép hấp 70g
Su su luộc 200g
Thanh long 200g
Cơm (gạo 150g)
Trứng luộc 1 quả
Đậu phụ kho thịt cà chua:
đậu 50g, thịt nạc 30g
Bí xanh luộc 200g
Hồng xiêm 200g
17 giờ
Cơm (gạo 150g)
Cá trôi kho (cá 70g)
Thịt xíu 30g
Rau cải ngọt luộc 200g
Cơm (gạo 150)
Bắp cải luộc 200g
Thịt gà rang 100g
Cơm (gạo 150)
Tôm rang 70g
Thịt xíu 30g
Su hào luộc 200g
20 giờ
Chè bột sắn trân châu:
Bột sắn 30g, đường 30g
Chè bông cau: đỗ xanh 5g,
bột sắn 30g, đường 30g
Chè khoai lang:
bột sắn 30g, đường 30g,
khoai 100g
Tổng hợp thực phẩm
Gạo: 330g
Thịt nạc: 80g
Cá nước ngọt: 70g
Gà ta: 80g
Rau muống: 200g
Rau cải: 200g
Bột sắn: 30g
Đường: 50g
Cam: 200g
Bánh phở: 150g
Gạo: 300g
Thịt nạc: 60g
Cá chép: 70g
Gà: 200g
Su su: 200g
Bắp cải: 200g
Thanh long: 200g
Bột sắn 30g, đường 30g
Miến: 70g
Gạo: 300g
Trứng: 30g
Thịt nạc: 80g
Tôm: 70g
Đậu phụ: 50g
Bí xanh: 200g
Su hào: 200g
Hồng xiêm: 200g
Bột sắn: 30g
Đường: 30g
Khoai lang: 100g
Tổng hợp năng lượng
Năng lượng: 1.959 Kcal
P: 81g
L: 25g
G: 352g
Na: 272mg
Năng lượng: 2.010 Kcal
P: 80g
L: 25g
G: 367g
Na: 226mg
Năng lượng: 1.953Kcal
P: 71g
L: 17g
G: 408g
Na: 416mg

PGS. TS. Trần Minh Đạo - ThS. Doãn Thị Tường Vi


Sỏi thận có thể gây suy thận

Suy thận do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, trong đó sỏi thận được xếp vào hàng đầu bảng. Vì vậy, khi bị sỏi thận cần hết sức thận trọng để tránh biến chứng suy thận.
Trong các loại sỏi tiết niệu thì sỏi thận là đáng sợ nhất. Nếu bị sỏi đường tiết niệu cả 2 bên (niệu quản, thận) thì nguy hiểm hơn rất nhiều. Sỏi thận nếu không được điều trị thì nguy cơ thận bị tổn thương do sự viêm nhiễm của sỏi thận gây nên. Từ đây thận có thể bị suy tạo ra một loạt biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Khi nhiễm khuẩn đường tiểu có thể làm xuất hiện hoại tử đường tiểu, các lỗ rò bàng quang hoặc rò niệu quản; làm ứ mủ bể thận hoặc làm xơ hóa thận. Hậu quả của xơ hóa thận sẽ dẫn đến giảm chức năng co bóp đường tiểu, chít hẹp làm bế tắc đường tiểu, tồn đọng nước tiểu và gây suy thận. Suy thận là bệnh thận mạn tính với tỷ lệ tử vong lên tới 90% (suy thận còn có thể do biến chứng của đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm cầu thận).
Sỏi có thể gây tổn thương nguy hiểm đến thận
Sỏi thận là một trong các loại sỏi đường tiết niệu (thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo, lỗ sáo). Tất cả các loại sỏi đường tiết niệu đều có thể làm ảnh hưởng đến thận do gây cản trở dòng chảy nước tiểu, làm ứ đọng nước tiểu gây viêm nhiễm đường tiết niệu và nguy hiểm nhất là nhiễm khuẩn thận gây hậu quả là suy thận.
 
Sỏi đường tiết niệu thường xuất hiện ở nơi có dòng nước tiểu yếu hoặc đường tiểu quá nhỏ, uốn khúc, bị hẹp do dị dạng bẩm sinh hay tắc nghẽn bởi chấn thương, u chèn ép hoặc do lao. Đa phần các trường hợp bị sỏi đường tiết niệu là do sự lắng đọng các khoáng chất (oxalat, canxi, vitamin C, acid uric, photpho...), trong khi lượng nước đào thải qua thận ít hoặc rất ít (do nhiều lý do khác nhau) sẽ làm lắng đọng các khoáng chất gây nên cặn thận, sỏi thận.
 
Trong các loại sỏi thận thì sỏi canxi là loại hay gặp nhất, chiếm khoảng 80 - 90% các trường hợp sỏi thận. Lý do là lượng canxi dư thừa trong cơ thể không sử dụng hết và được loại bỏ qua thận, lượng dư thừa này thường chảy vào nước tiểu. Nếu canxi không được đưa ra ngoài, hoặc đơn giản là quá nhiều để có thể hòa tan trong nước tiểu, nó sẽ rắn lại và kết hợp với các khoáng chất khác tạo thành sỏi. Sỏi canxi thường xuất hiện ở những nguời có lượng vitamin D cao hoặc bị cường tuyến giáp (hạch tuyến giáp quá nhạy cảm). Những người bị suy thận thường có khả năng bị sỏi canxi.
 
Sỏi thận có thể gây suy thận 1
 Siêu âm ổ bụng phát hiện sỏi thận.
Ngoài ra còn có loại sỏi được hình thành sau khi đường tiết niệu bị viêm (sỏi khuẩn). Loại sỏi này khá phổ biến ở phụ nữ, bởi lẽ phụ nữ dễ bị viêm đường tiết niệu hơn nam giới (niệu đạo nữ ngắn hơn nam giới, lỗ tiểu nữ lại gần hậu môn rất dễ nhiễm khuẩn). Mỗi khi bị viêm đường tiết niệu mạn tính sẽ tạo ra một loại enzym (men) làm tăng lượng amoniac trong nước tiểu. Lượng amoniac dư thừa này làm vi khuẩn có thể phát sinh nhanh hơn tạo điều kiện cho sỏi khuẩn được hình thành. Sỏi khuẩn thường có nhiều góc, cạnh nhọn, hoặc phân nhánh thành sừng và kích thước có thể phát triển lớn làm tổn thương đến thận.
Khác với nữ giới, nam giới có thể bị sỏi tiết niệu loại do acid uric gây ra. Sỏi acid uric thường gặp ở người có tiền sử bệnh gút. Sỏi thận được hình thành có thể được đào thải ra ngoài theo nước tiểu hoặc rơi xuống niệu quản, bàng quang, niệu đạo, nhưng nếu không có tác động gì thì chúng có thể được tồn tại ở đài hoặc bể thận, hoặc có mặt cả hai vị trí. Vì vậy, những vị trí có sỏi thường là ở thận, niệu quản chậu hoặc sát bàng quang, cổ bàng quang, niệu đạo, lỗ sáo...
Phòng suy thận khi bị sỏi thận
Suy thận là trạng thái suy giảm chức năng của thận, bao gồm chức năng bài tiết lượng nước dư thừa trong cơ thể và bài tiết chất độc trong cơ thể do quá trình trao đổi chất gây ra. Suy thận sẽ làm suy giảm chức năng sản xuất một số hormon do thận sinh ra. Vì vậy, suy thận có thể sinh ra bệnh tăng huyết áp, suy tim, nhồi máu cơ tim, viêm loét dạ dày. Suy thận cũng làm giảm sức khỏe sinh sản, giảm khả năng tình dục và ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống. Những bệnh nhân bị sỏi thận nếu không được chữa trị sớm và kịp thời sẽ có nguy cơ bị suy thận rất cao.
Sỏi thận có thể do tình cờ phát hiện khi khám bệnh định kỳ hoặc do khám một loại bệnh khác (đau thắt lưng do thoái hóa cột sống, hoặc thoát vị đĩa đệm). Hoặc sỏi thận được phát hiện khi siêu âm ổ bụng vì một lý do nào đó. Dù là lý do gì đi chăng nữa nhưng khi bị sỏi thận thì không được chủ quan, xem thường (vì có nhiều trường hợp không có biểu hiện gì kèm theo) để đề phòng suy thận có thể xảy ra. Muốn vậy, nên khám bệnh định kỳ hoặc mỗi khi thấy cơ thể bất thường (đau, mỏi thắt lưng, rối loạn tiểu tiện hoặc sốt không rõ nguyên nhân...) thì cần đi khám bệnh để hy vọng phát hiện sỏi thận càng sớm càng tốt.
 
Khi đã được xác định bị sỏi thận thì cần điều trị tích cực theo đơn thuốc và tư vấn của bác sĩ. Tùy theo mức độ của bệnh mà bác sĩ khám bệnh sẽ có hướng điều trị cụ thể. Nếu ở mức độ còn có thể điều trị nội khoa để bào mòn sỏi, cộng thêm uống nhiều nước (nếu có thể) để tống sỏi ra ngoài thì có thể dùng các loại thuốc Tây y hoặc Đông y. Tất nhiên uống thuốc gì, liều lượng bao nhiêu là do bác sĩ khám bệnh chỉ định. Nếu bác sĩ thấy tính chất, vị trí và kích thước của sỏi thận không cho phép điều trị nội khoa thì sẽ giải quyết bằng phương pháp ngoại khoa (mổ lấy sỏi).

BS. Việt Bắc

Bệnh thận - tiết niệu do đái tháo đường

Đái tháo đường ngày nay đã được chứng minh là nguyên nhân chính gây suy thận giai đoạn cuối, vượt qua "hai đối thủ" là tăng huyết áp và bệnh cầu thận. Những người suy thận do đái tháo đường (ĐTĐ) thường có nhiều biến chứng khác, thời gian sống ngắn hơn, tỷ lệ tử vong cao hơn. Đối với những người bị ĐTĐ thì biến chứng gây tổn thương gặp ở tất cả các vùng của quả thận.
Nhiễm khuẩn tiết niệu
Đối với phần kẽ thận tiết niệu, chúng ta có thể thấy biến chứng cơ bản nhất là nhiễm khuẩn tiết niệu. Ở những người bị ĐTĐ thì nguy cơ bị nhiễm khuẩn cao hơn rất nhiều. Nguyên nhân chính là các loại vi khuẩn Gram âm chiếm tới 90%. Vi khuẩn thường đi ngược từ niệu đạo vào bàng quang rồi ngược lên bể thận. Nhiễm khuẩn tiết niệu ở những người bị ĐTĐ hay gặp các loại vi khuẩn Escera Coli, liên cầu, tụ cầu, ngoài ra còn dễ bị các nhiễm khuẩn khác mà ở người bình thường ít gặp như nhiễm nấm, nhiễm Chlamydia.
Biểu hiện chính của nhiễm khuẩn tiết niệu là đái buốt, đái dắt, đái đục, nặng hơn là đái mủ, đái máu. Người bệnh thường có cảm giác đau buốt lúc đi tiểu, đau thường nóng rát và tăng lên cuối bãi. Khi bệnh nhân thấy sốt, đau vùng hông lưng, hay đái ra mủ, đái ra máu, cần phải nghĩ nhiễm khuẩn đã ngược lên đến thận và phải tới ngay bệnh viện.
Về mặt điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu, phải tuân thủ nguyên tắc giải phóng thông thoáng đường tiểu, uống nhiều nước, kháng sinh hợp lý theo nguyên nhân gây bệnh. Vì nhiễm khuẩn đường tiết niệu hay tái phát nên cần tuyệt đối không được lạm dụng và sử dụng bừa bãi kháng sinh, phải tuân thủ chế độ điều trị một cách hợp lý để tránh nguy cơ tái phát bệnh.
Bệnh thận - tiết niệu do đái tháo đường 1
 Cấu trúc hệ tiết niệu.
Viêm mạch thận ĐTĐ
Tổn thương mạch thận là một trong những biến chứng về mạch máu hay gặp ở người bị ĐTĐ. Triệu chứng của việc thiếu máu thận là tăng huyết áp. Bệnh lý về mạch thận do ĐTĐ cũng giống như các bệnh lý về mạch máu khác, mạch máu đến thận cũng có thể bị các biến cố của các bệnh như mạch vành hay mạch não, bao gồm xơ vữa mạch, huyết khối, huyết tắc mạch máu... Với người bị ĐTĐ, biến chứng xơ vữa mạch cao lên gấp nhiều lần, lòng mạch bị hẹp lại và gây thiếu máu đến tổ chức.
Nguy cơ tổn thương mạch thận càng cao và sớm khi người bệnh ĐTĐ có thêm rối loạn chuyển hóa lipid, hút thuốc lá, tăng huyết áp.
Bệnh cầu thận ĐTĐ
Giai đoạn đầu, đường huyết tăng cao, tổn thương thận chính là giãn khoảng kẽ, phì đại gian mạch. Lâm sàng sẽ thấy quả thận to lên về kích thước, mức lọc cầu thận tăng lên. Khi theo dõi bệnh nhân bị ĐTĐ, người ta thấy kích thước thận tăng cả về chiều rộng, chiều dài và chiều cao tới 140% so với quả thận bình thường. Trong khi mức lọc cầu thận tăng tới 150%. Nếu không được điều trị tốt sẽ tiến triển tới giai đoạn microalbumin niệu. Lúc này thận bắt đầu suy giảm chức năng. Nếu xét nghiệm mô học sẽ thấy màng đáy cầu thận dày lên, có nhiều chỗ bị "vỡ". Nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến xơ hóa mạch cầu thận và cuối cùng sẽ khiến thận mất chức năng hoàn toàn.
Suy thận giai đoạn cuối
Hầu hết các bệnh nhân ĐTĐ có biến chứng giai đoạn cuối đều là ĐTĐ týp II, chiếm trên 90% trong khi chỉ có dưới 10% ĐTĐ týp I. Suy thận giai đoạn cuối là kết quả của một quá trình bệnh lý kéo dài xuất phát từ những tổn thương rất sớm của thận, sau đó đến giai đoạn muộn hơn, bệnh nhân có xuất hiện các dấu hiệu lâm sàng, xuất hiện đạm niệu, chức năng thận mất đi, ure tăng lên, các thành phần nitơ phi protein và cuối cùng thận mất chức năng hoàn toàn. Khi đó bệnh nhân phải chuyển sang giai đoạn điều trị thay thế. Về điều trị suy thận giai đoạn cuối do ĐTĐ, người ta thấy rằng, có 12% những người bị ĐTĐ suy thận giai đoạn cuối được điều trị bằng thẩm phân phúc mạc (lọc màng bụng). Trên 80% được điều trị bằng thận nhân tạo, chỉ khoảng 8% được ghép thận. Điều trị thay thế thận ở người bệnh ĐTĐ có một số đặc điểm khác với những bệnh lý khác. Đó là thời gian lọc máu phải sớm hơn. Ngay khi mức lọc cầu thận ở mức 15 - 20ml/phút thì bắt buộc phải can thiệp để ngăn các biến chứng khác. Tỷ lệ biến chứng cao hơn và thời gian sống sót của bệnh nhân ngắn hơn so với nhóm bệnh khác.
Lời khuyên của thầy thuốc
Để điều trị hiệu quả biến chứng thận do ĐTĐ phải tuân thủ theo nguyên tắc chặt chẽ, phối hợp nhiều phương pháp và có sự theo dõi sát sao. Cụ thể:
Khống chế đường huyết: Nghiên cứu đa quốc gia cho thấy có sự tương quan chặt chẽ giữa nồng độ HbA1c với sự xuất hiện và khối lượng của protein niệu cũng như chức năng thận. Khống chế tốt đường huyết càng sớm càng tốt sẽ làm giảm đáng kể tần suất bệnh thận và suy thận.
Khống chế huyết áp: Con số huyết áp cần đạt được ở bệnh nhân bệnh thận ĐTĐ bao giờ cũng phải thấp hơn người tăng huyết áp khác. Theo khuyến cáo chung là 120/70mmHg. Các thuốc hay dùng là ức chế men chuyển đổi angiotensin (renitec, lisinopril) hay ức chế thụ thể angiotensin II (aprovel, telmisartan).
Hạn chế tối đa sự tăng cân: Béo phì làm nhanh chóng suy thận hơn hẳn so với người không béo phì.
Bỏ thuốc lá không chỉ ngăn suy thận mà còn giảm các biến cố tim mạch khác.
Ăn giảm đạm cũng làm giảm tiến triển bệnh thận.
Chế độ thể dục hợp lý.

ThS. Nguyễn Vĩnh Hưng

Hẹp động mạch thận và yếu tố nguy cơ

Hẹp động mạch thận là bệnh lý do thu hẹp của một hoặc cả hai động mạch thận. Hậu quả là thận bị giảm tưới máu, có thể làm tăng huyết áp và tổn thương nhu mô thận.
Nghiên cứu cho biết khoảng 90% bệnh nhân hẹp động mạch thận là do xơ vữa động mạch gây tắc, hẹp và xơ cứng động mạch thận. Bệnh tiến triển khi có mảng bám chất dính tạo thành bởi chất béo, cholesterol, canxi và các chất khác được tìm thấy trong máu, tạo thành nút hẹp bên trong của một hoặc cả hai động mạch thận. Do tích tụ mảng bám làm cho thành động mạch thận bị cứng và hẹp. Chứng loạn sản sợi cơ gây ra sự phát triển không bình thường hoặc tăng trưởng của các tế bào trên thành động mạch thận cũng có thể gây ra hẹp mạch máu thận.
 Hai dạng thường gặp nhất của hẹp động mạch thận là loạn sản cơ sợi và xơ vữa động mạch. Nguyên nhân do viêm mạch máu và bẩm sinh rất hiếm gặp. Loạn sản cơ sợi gây hẹp động mạch thận ít gặp và chưa rõ nguyên nhân. Bệnh xảy ra ở phụ nữ dưới 30 tuổi và ảnh hưởng đến các động mạch thận, động mạch cảnh và động mạch đùi. Hẹp động mạch thận 1 hay cả 2 bên trong loạn sản cơ sợi thường gây tăng huyết áp nhưng ít khi gây suy thận. Trái lại, hẹp động mạch thận do xơ vữa động mạch ít khi gây tăng huyết áp nhưng lại gây suy thận. 
Hẹp động mạch thận và yếu tố nguy cơ 1Tổn thương hẹp động mạch thận (ảnh lớn), tiêu bản tổn thương hẹp động mạch thận (ảnh nhỏ).
Biểu hiện của hẹp động mạch thận
Đa số bệnh nhân bị hẹp động mạch thận không có triệu chứng cho đến khi bệnh tiến triển nặng. Các dấu hiệu của bệnh hẹp động mạch thận thường gặp là: tăng huyết áp, suy giảm chức năng thận hoặc cả hai triệu chứng này. Nhưng thật không may là bệnh thường bị bỏ qua. Hẹp động mạch thận được xem là một nguyên nhân gây tăng huyết áp ở các đối tượng sau đây: trên 50 tuổi và có tiền căn tăng huyết áp; không điều trị thành công với ít nhất ba hoặc nhiều hơn các loại thuốc điều trị huyết áp. Các triệu chứng suy giảm chức năng thận bao gồm: tăng hoặc giảm nước tiểu so với bình thường; phù nề, gây sưng ở chân, bàn chân hoặc mắt cá chân, nhưng ít phù thường xuyên ở tay hay mặt; buồn ngủ hoặc mệt mỏi; ngứa hoặc bị tê; da khô; hay đau đầu; sút cân; mất cảm giác ngon miệng, buồn nôn, nôn; khó ngủ, khó  tập trung; hay bị chuột rút (vọp bẻ).
Những người có nguy cơ bị bệnh hẹp động mạch thận gồm:
Cholesterol trong máu cao; tăng huyết áp; hút thuốc lá, thuốc lào; đề kháng insulin; bị bệnh đái tháo đường; thừa cân hoặc béo phì; ít hoạt động thể chất; chế độ ăn uống nhiều chất béo, cholesterol; ăn mặn và ăn ngọt nhiều; nam trên 45 tuổi và nữ trên 55 tuổi...
Thiếu máu thận gây suy thận cấp với các biểu hiện: tăng creatinine máu trong vòng 14 ngày sau khi dùng thuốc ức chế men chuyển hoặc ức chế thụ thể angiotensin, đây là triệu chứng chỉ điểm của bệnh hẹp động mạch thận hai bên, nhưng nó không có độ đặc hiệu cao. Những biểu hiện khác như suy thận mạn không rõ nguyên nhân, teo thận, khác biệt lớn kích thước giữa hai thận.
Chẩn đoán hẹp động mạch thận bằng cách nghe âm thổi ở bụng: khi máu chảy qua động mạch hẹp, có thể gây ra tiếng thổi; có thể đặt một ống nghe ở mặt trước hoặc phía bên của bụng để nghe được âm thanh này. Tuy nhiên, nếu không nghe thấy tiếng thổi vẫn không loại trừ khả năng bị hẹp động mạch thận. Chẩn đoán hình ảnh: chụp mạch vành dùng thuốc cản quang; chụp Xquang thấy hẹp động mạch thận. Siêu âm duple, ống thông chụp mạch, chụp cắt lớp vi tính mạch máu, chụp mạch cộng hưởng từ đều có thể thấy tổn thương hẹp động mạch thận. Một số trường hợp, hẹp động mạch thận được phát hiện khi khám bệnh khác, chẳng hạn chụp mạch vành để chẩn đoán các vấn đề về tim...
Biến chứng có thể gặp
Bệnh nhân bị hẹp động mạch thận có nguy cơ biến chứng do mất chức năng thận hoặc xơ vữa động mạch xảy ra trong các mạch máu khác, như bệnh thận mạn tính;bệnh động mạch vành; đột quỵ não do thiếu lưu lượng máu đến não; bệnh tắc nghẽn mạch máu ngoại biên làm hạn chế dòng chảy của máu từ tim đến các bộ phận khác của cơ thể, đặc biệt là ở chi dưới. Suy thận, được xem như giai đoạn cuối khi điều trị bằng phương pháp chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận...
Điều trị thế nào?
Điều trị hẹp động mạch thận bao gồm thay đổi lối sống, điều trị nội khoa và phẫu thuật nhằm mục đích: ngăn chặn hẹp động mạch thận tiến triển nặng; điều trị suy thận mạn; giảm tắc nghẽn động mạch thận.
Thay đổi lối sống: nhằm cải thiện các mạch máu khỏe mạnh khắp cơ thể, trong đó có động mạch thận. Cách tốt nhất là tập thể dục để duy trì cơ thể khỏe mạnh, cân đối. Lựa chọn thực phẩm lành mạnh hợp lý. Những người hút thuốc nên bỏ thuốc lá, thuốc lào để bảo vệ thận và cơ quan nội tạng.
Điều trị nội khoa: thuốc có thể dùng là các thuốc hạ áp huyết, thuốc ức chế men chuyển angiotensin, thuốc chẹn thụ thể angiotensin... có hiệu quả trong việc làm chậm sự tiến triển của bệnh thận; thuốc lợi tiểu; thuốc chẹn beta, thuốc chẹn kênh calci, thuốc hạ huyết áp khác. Thuốc làm giảm cholesterol để ngăn ngừa mảng bám tích tụ trong động mạch; thuốc aspirin, giúp máu lưu thông dễ dàng hơn trong các động mạch.
Phẫu thuật: nong mạch vành là một thủ thuật dùng ống thông đưa vào động mạch thận, thường là ở háng. Một quả bóng nhỏ ở đầu ống thông được thổi phồng để san bằng các mảng bám vào thành động mạch. Đặt ống stent bên trong động mạch để cải thiện sự lưu thông máu. 
ThS. Trần Tất Thắng

Cảnh giác với viêm bể thận cấp

Viêm bể thận cấp là một bệnh thuộc đường tiết niệu thường gặp và là bệnh nhiễm khuẩn ở tổ chức kẽ của thận, vì vậy còn gọi là viêm thận kẽ. Bệnh viêm bể thận gặp ở mọi lứa tuổi, mọi giới tính nhưng tỷ lệ mắc ở nữ cao hơn nam. Viêm bể thận có thể là cấp tính hoặc mạn tính. Bài viết sau xin giới thiệu những kiến thức về viêm bể thận cấp.
Viêm bể thận cấp do đâu?
Viêm bể thận cấp hầu hết xuất phát từ viêm đường tiết niệu (bàng quang, niệu quản, niệu đạo...), đặc biệt khi xuất hiện dòng chảy ngược của nước tiểu (thỉnh thoảng hay dai dẳng) từ bàng quang ngược lên niệu quản hay chậu thận. Khi viêm đường tiết niệu mà không phát hiện sớm và không được điều trị hoặc điều trị không dứt điểm sẽ gây viêm ngược dòng làm viêm bể thận.
Nguy cơ sẽ tăng lên nếu như đã từng bị viêm bàng quang, hoại tử mao mạch thận, sỏi thận, hồi lưu bàng quang niệu quản, hay bệnh lý đường tiết niệu. Trong các loại vi khuẩn gây viêm đường tiết niệu, hay gặp nhất là các loại vi khuẩn gram âm (chiếm tỷ lệ 90%), đặc biệt là E.coli, trực khuẩn mủ xanh và tụ cầu vàng, chưa kể đến các loại vi khuẩn gây viêm niệu đạo, âm đạo (nữ giới) như lậu cầu khuẩn, Chamydia, Mycoplasma. Viêm bể thận cấp do vi khuẩn viêm tiết niệu ngược dòng gặp nhiều nhất là E.coli, chiếm tỷ lệ khoảng 60 - 70%, trực khuẩn mủ xanh chỉ chiếm tỷ lệ thấp (6%). Ngoài nguyên nhân do vi khuẩn gây viêm tiết niệu đi ngược dòng lên còn có thể do vi khuẩn theo đường máu đi đến đài, bể thận và gây bệnh (nhiễm khuẩn huyết). Các trường hợp hay gặp trong cản trở dòng chảy là sỏi tiết niệu (sỏi niệu quản, bàng quang, sỏi thận), dị dạng đường tiết niệu, u (polyp, ung thư, u tiền liệt tuyến) hoặc liệt nửa người do tai biến mạch máu não hoặc có thói quen nhịn tiểu, nhất là nữ giới. Ngoài ra, ở nữ giới do viêm nhiễm bộ phận sinh dục (viêm âm đạo, cổ tử cung) cũng có thể gây lây lan mầm bệnh sang đường tiểu gây viêm ngược dòng.
Cảnh giác với viêm bể thận cấp  1
 Hình ảnh bể thận bị viêm.
Dấu hiệu điển hình viêm bể thận cấp
Viêm bể thận cấp tính thường có sốt cao, rét run, môi khô, lưỡi bẩn, mệt mỏi do mất nước và chất điện giải. Bệnh nhân có đái buốt, đái dắt, đái đục, đái máu, đái mủ cuối bãi (được gọi là hội chứng bàng quang). Hội chứng bàng quang không thường xuyên và đôi khi xuất hiện trước khi viêm bể thận cấp do đã  bị viêm bàng quang cấp trước đó. Điển hình nhất của viêm bể thận cấp là dấu hiệu đau vùng sườn - lưng hoặc thắt lưng, có thể đau một bên hoặc cả hai bên tùy theo tổn thương ở thận (thận bên nào bị viêm). Đau có tính chất âm ỉ, đôi khi xuất hiện cơn đau dữ dội. Trong trường hợp này thì xét nghiệm máu có thể có bạch cầu tăng cao, nếu xét nghiệm vi sinh nước tiểu sẽ thấy số lượng vi khuẩn trên 1000CFU/ml và nếu phân lập sẽ xác định được loại vi khuẩn có protein niệu và có thể xuất hiện hồng cầu. Siêu âm thận có kích thước to hơn, đài bể thận giãn.
Hậu quả khi viêm bể thận cấp có thể đưa đến suy thận cấp (urê máu và creatinin đều tăng), nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đễn suy thận mạn tính. Nên lưu ý là ở giai đoạn cấp của bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được loại bỏ nguy cơ và nguyên nhân gây bệnh. Nếu bị tái phát nhiều lần sẽ chuyển thành viêm bể thận mạn và hậu quả cuối cùng sẽ dẫn đến suy thận mạn. Bệnh nhân có thể tử vong do biến chứng suy thận mạn, do đó nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng và triệt để, bệnh nhân phục hồi hoàn toàn.
Có thể phòng viêm bể thận hay không?
Để tránh mắc bệnh viêm bể thận cấp tính, không để mắc bệnh viêm đường tiết niệu. Vì vậy cần vệ sinh sạch sẽ bộ phân sinh dục hằng ngày, nhất là nữ giới. Khi bị viêm đường tiết niệu (ngay cả viêm đường sinh dục) cần được điều trị sớm, dứt điểm. Trường hợp bị sỏi hoặc u đường tiết niệu nên khám bác sĩ tiết niệu để được điều trị sớm, tránh bị nhiễm khuẩn tiết niệu gây nhiễm ngược dòng làm viêm bể thận cấp.      

PGS.TS. TTƯT. Bùi Khắc Hậu

Viêm bể thận mạn tính

Viêm thận bể thận mạn tính là một bệnh có gây tổn thương viêm mạn tính ở nhu mô thận, ở mô kẽ của thận và là hậu quả của quá trình nhiễm khuẩn chủ yếu từ đài bể thận vào thận. Nếu không do nhiễm khuẩn thì được gọi là viêm thận kẽ mạn tính.  
Viêm bể thận mạn tính là một bệnh thường gặp và được Wagner mô tả lần đầu tiên vào năm 1882. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính và màu da.
Nguyên nhân và các yếu tố thuận lợi gây bệnh
Có nhiều yếu tố thuận lợi tạo điều kiện cho sự hình thành bệnh viêm bể thận mạn tính. Trước hết phải kể đến yếu tố thuận lợi khi bị viêm bể thận cấp, vì một lý do nào đó mà không điều trị dứt điểm hoặc không được điều trị hoặc điều trị không đúng phác đồ thì dễ dẫn đến viêm bể thận mạn. Tiếp đến là do bị tắc nghẽn hoặc bị ứ đọng nước tiểu. Sự tắc nghẽn đường tiểu có nhiều nguyên nhân khác nhau như: do sỏi làm cản trở sự lưu thông hoặc ứ đọng, thậm chí tắc hẳn nước tiểu. Các loại dị dạng đường tiết niệu cũng có khả năng gây nên cản trở đường tiểu. Đa số gặp là do sỏi ở ngay đài thận, bể thận hoặc sỏi niệu quản, sỏi bàng quang. Sỏi có kích thước càng lớn thì sự làm ngưng trệ dòng chảy nước tiểu càng mạnh. Ngoài ra, khối u đường tiết niệu, polyp bàng quang, u sau phúc mạc, u xơ tiền liệt tuyến (nam giới), u xơ cổ tử cung (nữ giới) hoặc bí đái do bị liệt 1/2 người ở chi dưới cũng gây cản trở dòng chảy nước tiểu do đó bị viêm bể thận ngược dòng. 
Viêm bể thận mạn tính 1
Ảnh minh họa
Tất cả các nguyên nhân làm cản trở dòng chảy nước tiểu, nếu trong nước tiểu có vi sinh vật gây bệnh thì sự gây nên viêm hệ thống đường tiểu là khó tránh khỏi trong đó có sự viêm nhiễm bể thận cấp và mạn tính.
Các công trình nghiên cứu cho thấy hầu hết các trường hợp viêm bể thận là do vi khuẩn đường ruột (E. coli, Proteus, Enterobacter, Citrobacter, Klebsiella) là chủ yếu, trong đó E. coli chiếm tỉ lệ cao nhất (khoảng từ 60 - 80% các trường hợp). Các loại vi khuẩn như trực khuẩn mủ xanh (P.aerruginosa), cầu khuẩn (tụ cầu, liên cầu) cũng có khả năng gây viêm nhiễm bể thận. Trong các loại cầu khuẩn thì cần cảnh giác với vi khuẩn liên cầu nhóm A (S.pyogenes) là loại gây viêm họng cấp, tiếp đến là viêm bể thận cấp do cơ chế miễn dịch. Tuy nhiên, cũng có một tỉ lệ đáng kể (khoảng 26%) viêm bể thận mạn không xác định được nguyên nhân.
Viêm bể thận mạn tính cũng phụ thuộc khá nhiều vào sức đề kháng của cơ thể. Khi sức đề kháng kém thì viêm thận - bể thận mạn tính có thể xảy ra mỗi lần gặp một trong các nguyên nhân kể trên, đặc biệt là ở người có bệnh rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, bệnh gút. Phụ nữ đang mang bầu cũng có thể mắc bệnh viêm bể thận cấp, mạn tính khi có các nguyên nhân thuận lợi đưa đến. Viêm bể thận cấp tính mà không được điều trị hoặc điều trị không dứt điểm hoặc không đúng phác đồ thì có nguy cơ trở thành bệnh viêm bể thận mạn tính. Viêm thận - bể thận mạn tính do vi khuẩn theo đường tiết niệu đi ngược lên thận gây viêm thận - bể thận mạn. Bệnh gặp cả nam lẫn nữ do vệ sinh không bảo đảm, hoặc do can thiệp các thủ thuật thăm khám như: soi bàng quang, soi niệu đạo, tán sỏi, mổ phanh lấy sỏi, nong niệu đạo... Ở nữ giới, người ta thấy viêm thận - bể thận mạn tính thường là có tỉ lệ thuận với mức độ hoạt động tình dục và điều kiện vệ sinh yếu kém.
Ở người cao tuổi khi bị u xơ tiền liệt tuyến thì sẽ bị nước tiểu ứ đọng trong bàng quang, đây là yếu tố thuận lợi gây viêm thận - bể thận mạn tính ngược dòng. Nhiễm trùng đường tiểu, viêm bể thận cũng có thể do vi khuẩn đi theo đường máu đến tổ chức thận, đặc biệt là trong các trường hợp nhiễm khuẩn huyết. Các vi khuẩn nhiễm khuẩn huyết hay gặp là E.coli, trực khuẩn mủ xanh, tụ cầu vàng. Tuy rằng tỉ lệ nhiễm khuẩn theo đường máu thấp hơn nhiều so với nhiễm khuẩn đường tiểu ngược dòng nhưng lại rất nguy hiểm và bệnh diễn biến phức tạp, trầm trọng, khó điều trị. Ngoài ra có một tỉ lệ thấp viêm bể thận mạn do viêm ruột thừa hoặc viêm cổ tử cung  (nữ giới), bởi vì vi khuẩn đi theo đường bạch huyết.
Triệu chứng của viêm bể thận mạn tính
 Đặc điểm nổi bật của viêm bể thận mạn là rất khó xác định cho nên người bệnh thường đến gõ cửa phòng khám muộn. Tuy vậy, có một số người bệnh có biểu hiện sốt cao (39 - 40oC), rét run, đau vùng góc sườn lưng (góc xương sườn và cột sống thắt lưng). Vì vậy, khi bác sĩ khám sẽ thấy người bệnh đau nhói vùng hố thắt lưng khi nắn, đôi khi sờ thấy thận to. Triệu chứng đau lan ra vùng hố chậu và xuống dưới xương mu hoặc lan xuống tận bộ phận sinh dục ngoài cũng có thể thấy. Đồng thời, người bệnh cũng thấy tức dưới xương mu (vùng bàng quang), đái buốt, đát rắt, đái khó, nước tiểu đục, có khi đái mủ hoặc thậm chí có máu, tái đi tái lại nhiều lần. Mắc bệnh viêm bể thận mạn thường có nguy cơ làm tăng huyết áp liên quan đến tuyến thượng thận (có khoảng 10% gây tai biến xuất huyết não). Khi đã có suy thận thì xuất hiện thiếu máu (da xanh, hoa mắt chóng mặt khi ngồi xuống đứng lên) và urê huyết tăng cao.
Để chẩn đoán viêm bể thận cần chụp X-quang thận, chụp thận có bơm thuốc cản quang tĩnh mạch (UIV), chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ. Ngoài ra, có thể xét nghiệm nước tiểu toàn phần, soi cặn nước tiểu và nếu điều kiện cho phép thì nuôi cấy nước tiểu để xác định số lượng vi khuẩn cũng như xác định vi khuẩn gây bệnh. Trên cơ sở đó tiến hành kỹ thuật kháng sinh đồ khoanh giấy để tìm kháng sinh thích hợp nhất nhằm tiêu diệt vi khuẩn. 
Nguyên tắc điều trị và phòng bệnh
Để tránh mắc bệnh viêm bể thận mạn tính cần đi khám bệnh định kỳ nhất là khi nghi bị viêm thận hoặc có tiền sử sỏi thận, u xơ tiền liệt tuyến (nam giới), viêm cổ tử cung (nữ giới). Không để mắc các bệnh viêm đường tiết niệu, nhưng khi đã có bệnh thì bất luận là lứa tuổi nào, nam hay nữ giới cần điều trị một cách tích cực theo đơn của bác sĩ khám bệnh. Trong sinh hoạt không nên có thói quen nhịn tiểu, không nên ăn mặn hoặc lười vận động. Cần uống đủ lượng nước hàng ngày (1,5 - 2 lít). 
BS. BÙI MAI HƯƠNG

Chống hỏng thận do đái tháo đường

Trong số các bệnh nhân bị đái tháo đường (ĐTĐ), có rất nhiều bệnh nhân bị biến chứng thận. Kết cục của tình trạng này là tổn thương thận dạng vĩnh viễn mà giải pháp cuối cùng không thể thay thế là ghép thận.
Tại sao thận lại hỏng?
Thường chúng ta chỉ thấy thận bị suy hoặc bệnh nhân bị hỏng thận do các trường hợp viêm cầu thận mạn, hội chứng thận hư, các bệnh thận có liên quan đến bệnh tự miễn. Song, trên thực thực tế, số bệnh nhân bị bệnh thận do ĐTĐ đang gia tăng. Có khoảng 40% số bệnh nhân ĐTĐ đều đi đến một con đường chung là bệnh thận. Đây là biến chứng phổ biến nhất trong các biến chứng của bệnh ĐTĐ týp I.
Chống hỏng thận do đái tháo đường 1
Đái tháo đường cũng dẫn đến viêm và suy thận.
Điều rất đáng lưu tâm của trường hợp này là bệnh thận do ĐTĐ lại diễn ra rất từ từ, nhẹ nhàng và ngấm ngầm, đến một lúc nào đó, đột nhiên bạn bị suy thận. Mọi sự can thiệp điều trị lúc này rất hạn chế nếu như không muốn nói là không còn khả năng bảo tồn. Vấn đề thận lúc này trở nên nghiêm trọng hơn cả bệnh chính - bệnh ĐTĐ. Người ta thấy rằng có đến một nửa số bệnh nhân bị bệnh thận do ĐTĐ kéo dài sẽ phải lọc máu và thay thận.
Một câu hỏi đặt ra là ĐTĐ gây tổn thương thận như thế nào? Tại sao thận lại bị tổn thương do ĐTĐ?
Cơ chế chính xác gây ra bệnh thận do ĐTĐ hiện vẫn chưa được xác định chính xác. Nhưng hiện nay, người ta đang thiên về 3 cơ chế chính: đường máu cao gây tổn thương thận và quá trình siêu lọc; cơ chế đường hóa các phân tử protein và cơ chế hoạt hóa các cytokin. Các cơ chế này gây ra các biến đổi bệnh lý sau.
Thứ nhất, trong ĐTĐ, vì cơ thể người bệnh không sử dụng được đường nên đường máu rất cao. Nồng độ đường máu cao kích thích sự đường hóa các phân tử protein trong cơ thể. Sự đường hóa này thực ra là sự gắn các phân tử đường vào các phân tử protein tạo nên một ma trận các protein gắn đường. Sự thay đổi liên kết này dẫn đến thay đổi chức năng các phân tử protein, thay đổi các hoạt động điện của protein vốn là những chất rất cơ bản của lớp nền màng lọc cầu thận. Chính các phân tử đường hóa này đã làm màng nền của cầu thận không thực hiện được chức năng lọc và để lọt các chất dinh dưỡng ra ngoài, một biểu hiện của bệnh thận.
Thứ hai, trong bệnh ĐTĐ, người ta thấy lớp màng nền của cầu thận bị dày lên và trở nên mất các thuộc tính chức năng. Các chức năng cơ bản của màng nền là chỉ tạo ra các lỗ hở đủ rộng để các phân tử nước lọc qua nhưng đủ hẹp để giữ lại các chất dinh dưỡng cần thiết. Sự dày lên của lớp màng nền làm cho màng nền bị giãn rộng các lỗ siêu lọc, bị thay đổi lớp điện tích màng bề mặt, bị xơ cứng và mất tính chất mềm mại dẫn đến các phân tử chất dinh dưỡng bị trôi ra ngoài.
Thứ ba, do tính chất bệnh lý của bệnh, ĐTĐ cũng làm mất sự mềm mại của thành mạch máu. Các mạch máu của cầu thận bị tác động như một lẽ đương nhiên. Hệ quả tạo ra áp lực cao tại bộ lọc cầu thận. Sự tác động trường diễn của áp lực cao lên màng lọc cầu thận làm cho cầu thận bị xơ hóa, hư hỏng và bị các bệnh thận xảy ra. Nghiên cứu tỉ mỉ các biến đổi bệnh học trên các bệnh nhân bị biến chứng thận, người ta thấy các lỗ siêu lọc trở nên cứng, mất sự mềm mại và tạo thành các hạt hay các nốt trong nhu mô thận. Những nốt này được gọi là các nốt Kimmelstiel-Wilson.
Đây là các biến đổi cụ thể của thận mà người ta tìm thấy được trên các tiêu bản mô học của bệnh nhân ĐTĐ. Đó là các bằng chứng xác đáng chứng minh sự thay đổi bệnh học trong các biến chứng thận. Tất cả sự thay đổi, tác động này đã gây ra một kết quả cuối cùng là suy thận.
Cách nào để chống lại?
Để chống lại sự suy thận, nhất định bạn cần phát hiện ra bệnh ĐTĐ sớm và kiểm soát hiệu quả, bởi vì kiểm soát ĐTĐ hiệu quả sẽ có giá trị phòng chống bệnh thận do ĐTĐ.
Với những người có nguy cơ bị ĐTĐ, cần đi kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm máu mỗi năm 1 lần. Với các bệnh nhân bị ĐTĐ, cần khám sức khỏe sát sao và không bỏ dở quá trình điều trị. Trung bình cứ 3-6 tháng cần phải đi kiểm tra đường máu và tình trạng albumin niệu 1 lần.
Bạn cần giảm tối đa chỉ số huyết áp xuống tới mức bình ổn vì một cơ chế rõ ràng trong tổn thương thận là tăng huyết áp. Huyết áp tăng là diễn biến bệnh tất yếu của ĐTĐ và là một trong các nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh thận. Bằng các biện pháp kéo hạ giá trị huyết áp, bạn có thể bảo tồn thận của bạn rất lâu. Thuốc có tác dụng nhất với huyết áp cao trong ĐTĐ là thuốc ức chế men chuyển.
Song song với các biện pháp điều trị bằng thuốc do bác sĩ chỉ định, bạn cần lưu ý hạn chế vận động thể lực gắng sức. Sự vận động thể lực gắng sức chỉ làm nặng thêm bệnh. Bạn cần đi bộ chậm để giúp thận hồi phục, thời gian không quá 15 phút cho 1 lần tập. Bạn có thể tập các bài dưỡng sinh với tốc độ chậm và thong thả. Lưu ý: chế độ ăn phải giảm đường và giảm chất béo. Giảm đường để tránh đường máu cao đột ngột, tránh được sự đường hóa phân tử protein. Giảm chất béo để làm chậm lại tiến trình biến chứng của bệnh.
BS. Nguyễn Hoàng Anh

Ung thư bàng quang

Ung thư bàng quang là ung thư đường tiết niệu thường gặp nhất. Loại ung thư này thường bắt đầu từ bề mặt của bàng quang -  cơ quan có hình quả bóng nhỏ trong khung chậu nơi chứa đựng nước tiểu. Trên 90% ung thư xuất phát từ tế bào chuyển tiếp còn gọi là ung thư biểu mô chuyển tiếp. Còn lại có khoảng 8% là ung thư biểu mô vảy.
Ai là người dễ mắc?
Mặc dù các nhà khoa học chưa biết chắc chắn nguyên nhân gây ung thư bàng quang, nhưng đây không phải là bệnh lây nhiễm. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học đã xác định được một số yếu tố có thể góp phần vào sự phát triển của bệnh, do bản thân các yếu tố đó hoặc kết hợp với các yếu tố khác. Các yếu tố nguy cơ đó là:
- Tuổi: Những người cao tuổi dễ bị ung thư bàng quang hơn so với những người trẻ, bệnh rất ít gặp ở tuổi dưới 40.
- Thuốc lá: người ta cho rằng thuốc lá là yếu tố nguy cơ chính gây ung thư bàng quang. Nguy cơ bị ung thư bàng quang ở người hút thuốc lá cao gấp 2-3 lần so với người không hút.
- Nghề nghiệp: Một số công nhân có nguy cơ cao bị ung thư bàng quang vì tiếp xúc với các yếu tố sinh ung thư như cao su, chất hóa học, da thuộc. Các công nhân như thợ làm đầu, thợ kim khí, thợ sơn, in, dệt, người lái xe tải cũng tăng nguy cơ bị căn bệnh này.
- Nhiễm trùng: Những người bị nhiễm ký sinh trùng có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cao. Các bệnh do ký sinh trùng phổ biến hơn ở các nước nhiệt đới.
- Những người bị ung thư hoặc những bệnh khác mà phải điều trị bằng Cyclophosphamide hoặc Asenic có nguy cơ mắc ung thư bàng quang.
- Chủng tộc: Người Mỹ da trắng có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cao gấp 2 lần so với người Mỹ da đen và người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Tỉ lệ mắc thấp nhất ở tộc người châu Á.
- Nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ giới; tiền sử gia đình; tiền sử đã từng bị ung thư bàng quang có khả năng tái phát…
Nếu ai nghĩ rằng mình có các yếu tố liên quan tới ung thư bàng quang thì hãy nói với bác sĩ về mối liên quan này. Các bác sĩ có thể gợi ý cho bạn cách làm giảm các nguy cơ và có kế hoạch kiểm tra thích hợp.
 Hình ảnh tế bào ung thư trong bàng quang.
Dấu hiệu nhận biết
Ung thư bàng quang thường không có những dấu hiệu và triệu chứng khi ở giai đoạn sớm. Dấu hiệu cảnh báo đầu tiên là thường có máu trong nước tiểu. Tuy nhiên, không có nghĩa là tất cả các trường hợp có máu trong nước tiểu đều bị ung thư bàng quang. Khi có bất kỳ các dấu hiệu nào dưới đây, hãy đến bác sĩ khám để được chẩn đoán bệnh:
- Đi tiểu ra máu (nước tiểu có màu hồng nhạt đến đỏ thẫm).
- Đau khung chậu; đau trong khi đi tiểu.
- Đái dắt, muốn đi tiểu nhưng không đi được; đi tiểu thường xuyên hoặc cảm thấy cần đi tiểu mà không kiểm soát được.
- Dòng nước tiểu bị chậm lại.
Điều trị bằng cách nào?
Bệnh nhân hiểu biết về ung thư bàng quang chính là một yếu tố quan trọng trong việc điều trị bệnh. Do đó bệnh nhân càng đưa ra được nhiều câu hỏi cho thầy thuốc thì càng có lợi. Tuy nhiên, khi bệnh nhân biết mình bị mắc ung thư, họ sẽ bị sốc và sẽ chẳng biết cần phải hỏi bác sĩ điều gì. Sự lo lắng chính là thủ phạm gây trở ngại đối với điều trị.
Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị được lựa chọn đối với bệnh nhân mắc ung thư bàng quang như phẫu thuật, tia xạ, hóa chất, sinh học. Ở một số bệnh nhân, có thể phối hợp các phương pháp này. Tuy nhiên để điều trị hiệu quả nhất phải xác định được loại ung thư và giai đoạn của bệnh; tuổi tác và sức khỏe chung của bệnh nhân.
Phẫu thuật: là phương pháp điều trị thường được áp dụng đối với ung thư bàng quang. Việc lựa chọn phương pháp này phụ thuộc vào giai đoạn và độ lớn của khối u. Nếu khối u còn nhỏ và ở giai đoạn sớm, có thể phẫu thuật cắt bỏ khối u qua nội soi, sau đó bệnh nhân có thể được điều trị tiếp bằng hóa chất hoặc sinh học. Phẫu thuật cắt bỏ một phần bàng quang được áp dụng với khối u có sự xâm lấn chỉ ở một vùng của bàng quang.
 
Nếu khối u đã lan rộng trên bề mặt bàng quang hoặc bị xâm lấn thì phải cắt bỏ toàn bộ bàng quang, nạo vét hạch lympho gần đó. Thậm chí phải cắt cả các cơ quan gần đó như tuyến tiền liệt, túi tinh, ống dẫn tinh (ở nam giới), tử cung, buồng trứng, vòi trứng, một phần của âm đạo (với nữ giới)… nếu có tế bào ung thư xâm lấn.
 
Điều trị bằng tia xạ: Đây là phương pháp điều trị trong đó người ta sử dụng những tia có năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư. Giống như phẫu thuật, xạ trị là phương pháp điều trị tại chỗ do đó chỉ có tác dụng diệt các tế bào ung thư tại vùng chiếu xạ.
 
Một số bệnh nhân có thể được điều trị bằng tia xạ trước khi phẫu thuật với mục đích thu nhỏ bớt thể tích của khối u làm cho việc phẫu thuật sau đó dễ dàng hơn. Còn một số bệnh nhân được điều trị bằng tia xạ sau phẫu thuật để tiêu diệt nốt các tế bào ung thư còn sót lại. Ngoài ra, xạ trị cũng được chỉ định đối với bệnh nhân không còn khả năng phẫu thuật.
Trong điều trị ung thư bàng quang, tia xạ có thể từ bên ngoài cơ thể (xạ ngoài) hoặc từ các chất phóng xạ được đặt trực tiếp vào trong bàng quang (xạ trong). Xạ ngoài thường được thực hiện trong điều trị ngoại trú, 5 ngày 1 tuần trong vòng 5 đến 7 tuần.
Bệnh nhân có thể thấy mệt mỏi trong suốt quá trình xạ trị, đặc biệt là những tuần điều trị cuối. Xạ ngoài có thể gây cháy da vùng chiếu xạ. Bệnh nhân thường bị rụng lông, da đỏ khô, nứt và ngứa. Xạ trong có thể gây buồn nôn, nôn, tiêu chảy, rối loạn tiểu tiện… Xạ trị còn gây giảm bạch cầu, do đó cơ thể bệnh nhân rất dễ bị nhiễm trùng. Điều trị tia xạ đối với ung thư bàng quang còn gây ảnh hưởng đến sinh hoạt tình dục ở cả nam và nữ giới. Phụ nữ có thể bị khô âm đạo, còn nam giới không đạt được trạng thái cương cứng.
Mặc dù các tác dụng phụ của xạ trị có thể làm cho bệnh nhân lo lắng, nhưng nó chỉ mang tính tạm thời và bác sĩ có thể kiểm soát được.
Điều trị hóa chất: phương pháp này là dùng các thuốc để tiêu diệt các tế bào ung thư. Có thể sử dụng một hoặc kết hợp nhiều loại thuốc trong quá trình điều trị. Phương pháp này có thể được điều trị sau phẫu thuật để phá hủy những tế bào ung thư còn sót lại. Tác dụng phụ của hóa chất phụ thuộc vào loại thuốc và liều lượng, đường đưa thuốc vào cơ thể cũng như cách thức điều trị.
 
Các tác dụng phụ của phương pháp này là rụng tóc, buồn nôn, nôn và mệt mỏi. Sử dụng hóa chất toàn thân còn khiến số lượng tế bào bạch cầu và hồng cầu giảm khiến bệnh nhân dễ bị nhiễm khuẩn và xuất huyết. Tác dụng phụ nguy hiểm nữa của hóa chất là gây suy thận. Do đó bệnh nhân cần được bác sĩ theo dõi trong suốt quá trình điều trị và sau đó.
Điều trị sinh học: Đây là phương pháp điều trị trong đó sử dụng những khả năng tự nhiên của cơ thể (hệ thống miễn dịch) để chống lại tế bào ung thư. Phương pháp này được áp dụng sau phẫu thuật lấy khối u qua đường niệu đạo đối với u ở bề mặt bàng quang, có tác dụng ngăn cản sự phát triển trở lại của các tế bào ung thư. Phương pháp này có thể gây kích ứng bàng quang khiến bệnh nhân có cảm giác mót đái, đái dắt, đau khi đi tiểu. Ngoài ra bệnh nhân còn cảm thấy mỏi mệt, buồn nôn, đái ra máu, sốt nhẹ hoặc ớn lạnh.
Phòng bệnh
Mặc dù ung thư thường không phòng tránh được, tuy nhiên, chúng ta có thể can thiệp vào các yếu tố nguy cơ như: không hút thuốc; cẩn thận với các hóa chất và nguồn nước nhiễm hóa chất;  uống nhiều nước trong mỗi ngày để thải lọc những chất độc có trong nước tiểu;  khám bệnh định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe; ăn nhiều rau cải xanh…

GS.TS. Nguyễn Bá Đức

Dinh dưỡng phòng ngừa sỏi thận

Sỏi thận là căn bệnh thuộc đường tiết niệu phổ biến thứ 3 sau các bệnh viêm nhiễm đường niệu và tuyến tiền liệt. Đây là căn bệnh nguy hiểm mà nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do rối loạn trao đổi chất khoáng, những chất khoáng kết tủa và tích tụ lâu ngày trong cơ thể, dần dần hình thành sỏi. Những người thường xuyên làm việc tĩnh tại trong các văn phòng hay công nhân làm việc trong các nhà máy và đặc biệt những người có chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý là những đối tượng có nguy cơ mắc cao hơn cả.
Dấu hiệu của bệnh phụ thuộc vào giai đoạn hình thành sỏi. Tuy nhiên, giai đoạn sớm của quá trình hình thành sỏi thường không có triệu chứng, nên bệnh nhân không biết. Chỉ đến khi sỏi đã lớn, gây biến chứng mới được phát hiện. Thông thường, triệu chứng thường gặp của bệnh này là xuất hiện các cơn đau vùng thắt lưng, lan xuống hố chậu, bìu, kèm nôn hay trướng bụng.
 
Bệnh nhân có thể đau khi đi tiểu, nước tiểu đục, đi tiểu ra máu do sỏi gây tổn thương đường tiết niệu hay do nhiễm khuẩn, làm thận chảy máu. Người bệnh có thể sốt cao 38-39oC, hoặc ớn lạnh, thận có cảm giác bỏng rát.
 
Trong những năm gần đây, vấn đề dinh dưỡng không hợp lý được coi là tác nhân hàng đầu gây nên sỏi thận. Theo TS.BS. Cao Thị Hậu, nguyên Giám đốc TT Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia: thói quen ăn uống không hợp lý hay một chế độ dinh dưỡng không cân đối có mối  liên quan mật thiết đến quá trình hình thành sỏi tiết niệu.
 
Thứ nhất là do uống ít nước, nhiều người khi thấy khát mới uống nước, chứ không biết đến vai trò quan trọng của nước với cơ thể và tác dụng của nước với việc dự phòng sỏi thận. Thứ hai là do chế độ ăn có quá nhiều canxi, khi hàm lượng canxi vào cơ thể vượt quá ngưỡng 1000mg/ngày sẽ tạo lượng dư thừa và lượng dư thừa này sẽ tích tụ, hình thành sỏi.
 
Thứ ba, thói quen ăn mặn cũng là một nguy cơ, trung bình người bình thường chỉ ăn khoảng 10g muối/ngày và người tăng huyết áp, tim mạch là dưới 5g/ngày. Nhưng do thói quen ăn mặn nên họ thường ăn vượt quá lượng muối cần thiết, chẳng hạn trong bữa ăn chỉ cần ăn thêm vài quả cà muối quá mặn là có thể tạo ra lượng muối dư thừa. Tiếp theo là chế độ ăn mất cân đối giữa các nhóm thực phẩm, chẳng hạn ăn quá nhiều đạm cũng không tốt…
Dưới đây là một số thói quen dinh dưỡng có thể phòng tránh sỏi thận:
 Nước chanh giúp giảm nguy cơ mắc sỏi thận
Uống nhiều nước
Để phòng tránh sỏi thận cần phải uống đủ nước. Nước được cung cấp đủ sẽ không chỉ làm máu lưu thông tốt hơn, hòa tan các chất mà còn làm nhiệt độ cơ thể được điều hòa tốt hơn đặc biệt trong mùa hè oi bức. Hơn thế nữa nó giúp thải trừ các chất cặn bã để ngăn ngừa bệnh tật.
 
Nếu tính theo hoạt động bình thường của cơ thể thì lượng nước tiểu khoảng 1.500ml/ngày, lượng nước qua đường mồ hôi và đường tiêu hóa khoảng 500-1000ml, như vậy nhu cầu về nước là từ 2.000 đến 2.500ml mỗi ngày. Nhu cầu này tăng lên hay giảm đi tùy theo tính chất công việc và đặc biệt là theo thời tiết. Tuy nhiên dù trong hoàn cảnh nào đi nữa, xây dựng cho mình một thói quen uống đủ nước là vô cùng hữu ích.
Tuy nhiên, không nên uống các loại nước uống nhiều đường, nhất là đối với người béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp. Hạn chế sử dụng nước đá vì nó có thể gây hỏng men răng. Trong một số trường hợp đặc biệt chẳng hạn như những người bị suy tim, suy thận... cần phải có ý kiến của bác sĩ điều trị khi uống nước để có một chế độ nước phù hợp.
Nên dùng nước chanh
Uống ít nhất 1 ly nước chanh mỗi ngày giúp giảm nguy cơ bị sỏi thận. Chất a-xít citric có trong quả chanh giúp ngăn chặn các khoáng chất và những thành tố khác của nước tiểu dính vào nhau và hình thành sỏi thận. Nước chanh được làm từ quả chanh hoặc chất cô đặc của chanh, cung cấp đầy đủ a-xít citric; còn các loại bột hương vị chanh có đường sẽ không đem lại lợi ích tương tự.
Giảm lượng đạm
Hạn chế lượng protein hấp thụ từ các loại thịt và nội tạng động vật, đặc biệt là gan. Nghiên cứu của Bệnh viện Mayo (Mỹ) cho thấy những người ăn nhiều thịt dễ có nguy cơ bị sỏi thận.
Trong thực đơn hàng ngày, nên bổ sung nhiều rau tươi vì chất xơ của rau sẽ giúp tiêu hoá nhanh, tránh ứ đọng trong ruột, giảm thiểu sự tái hấp thụ chất oxalat từ ruột để tạo nên sỏi niệu. Ngoài ra, chất kiềm cung cấp bởi rau tươi sẽ gia tăng sự bài tiết chất citrat chống lại sỏi thận.
Giảm hấp thu calcium và muối
Cả hai thứ này được cho là góp phần hình thành sỏi thận, thế nên giảm hấp thu chúng đồng nghĩa với việc làm cho thận của bạn bớt “nặng nề” hơn.

Thanh Phúc