Thứ Sáu, 7 tháng 2, 2014

Các dị tật tiết niệu và biến chứng

Các dị tật và bệnh ở đường tiết niệu là tương đối phổ biến trong bệnh lý trẻ em. Chúng có thể gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu, suy và mất chức năng thận do đó cần được phát hiện sớm để có chỉ định đúng về thời gian và cách điều trị.
Hẹp bao quy đầu
Theo thống kê, có tới 45% số trẻ ở độ tuổi mẫu giáo bị hẹp bao quy đầu. Tuy vậy cha mẹ ít để ý đến khi con còn nhỏ. Đến tuổi trưởng thành và lập gia đình, không ít người đã không có được hạnh phúc làm chồng, làm cha trọn vẹn. Đáng lưu ý, 90% số ca ung thư dương vật hiện nay bắt nguồn từ tình trạng này.
Hẹp bao quy đầu làm cho nước tiểu đọng lại, phồng lên mỗi khi đi tiểu, nước tiểu thành tia. Bao quy đầu hay bị viêm với triệu chứng sưng đỏ, mọng nước.
Ở trẻ nhỏ, nếu thấy trẻ bị bí tiểu, hay khi tiểu thì khóc thét và bao quy đầu căng phồng như bong bóng thì có thể bị hẹp bao quy đầu thật sự, khi đó bố mẹ cần đưa đến bác sĩ khám.
Nếu không được phẫu thuật, việc vệ sinh không thể sạch sẽ. Sự tích tụ các chất bẩn trong nước tiểu và dịch nhầy của đường tiết niệu đọng ở nếp da quy đầu là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển nhanh chóng. Lâu dần thành viêm đường tiết niệu, ảnh hưởng tới thận, gây khó khăn trong quan hệ tình dục sau này và dẫn tới ung thư dương vật.
Vệ sinh bao quy đầu không đúng cách sẽ gây viêm nhiễm cho trẻ. Vì thế, khi tắm, cha mẹ nên rửa và lộn bao quy đầu cho trẻ. Nếu thấy khó lộn hoặc bao quy đầu bị dính lại thì nên đi khám để được chẩn đoán chính xác và có phương hướng xử lý kịp thời.
 
Khám cho trẻ bị dị tật tiết niệu.
Hẹp lỗ tiểu
Hẹp lỗ tiểu là một tình trạng bất thường ở lỗ tiểu hay xảy ra ở nam giới. Hẹp lỗ tiểu là khi kích thước của lỗ mở ở đầu dương vật nhỏ hơn bình thường, tình trạng này có thể xuất hiện ngay từ khi mới sinh hoặc do mắc phải.
Hẹp lỗ tiểu thường liên quan nhiều nhất đến việc cắt bao quy đầu và nó hiếm gặp ở những người chưa cắt bao quy đầu. Hẹp lỗ tiểu cũng có thể xảy ra sau phẫu thuật điều trị dị tật lỗ tiểu dưới. Tổn thương ở đầu dương vật, viêm da quy đầu hoặc đặt ống sond tiểu lâu ngày cũng có thể làm tăng nguy cơ bị hẹp lỗ tiểu.
Hẹp lỗ tiểu có thể có nhiều triệu chứng khác nhau do dòng nước tiểu bị tắc nghẽn không hoàn toàn. Các triệu chứng bao gồm tiểu đau hoặc tiểu nóng rát, thường xuyên muốn đi tiểu, dòng nước tiểu bắn thành nhiều tia nhỏ hoặc khó điều khiển, hoặc xuất hiện một giọt máu nhỏ từ lỗ tiểu vào lúc tiểu xong.
Can thiệp bằng phẫu thuật để rạch một đường giúp mở rộng lỗ tiểu là cách điều trị chắc chắn nhất.
Lỗ đái lệch cao
Lỗ đái lệch cao là một dị tật bẩm sinh ở trẻ trai. Trong trường hợp này lỗ đái không đổ ra ở đỉnh quy đầu, cũng không ở mặt dưới dương vật và bìu mà lại đổ ra ở mặt lưng của dương vật, gần về phía mu và dương vật lại bị tách ra làm đôi.
Dị tật này gây tiểu tiện bất thường vì dòng nước tiểu không ra đúng ở đỉnh quy đầu như bình thường mà lại chảy ra ở mặt trên dương vật, thường ẩm ướt gây mùi khai khó chịu. Dương vật bị biến dạng bất thường như dương vật ngắn, to bè, bị chẻ làm hai ở mặt trên dương vật nên trông như lòng máng và dương vật lại bị kéo ưỡn lên phía mu.
Trừ dị tật bàng quang lộ ngoài phải mổ ngay từ những ngày đầu sau đẻ, còn dị tật lỗ đái lệch cao cũng giống như dị tật lỗ đái lệch thấp, cần được chữa sớm ở lứa tuổi từ 1-3 tuổi để tránh những ảnh hưởng xấu của bệnh tới tâm lý trẻ bị bệnh cũng như cho bố mẹ bệnh nhân. Nếu bệnh nhân được mổ chữa ở tuổi nhỏ, sự phát triển của dương vật sau này gần như bình thường và bảo đảm được các chức năng của nó.
Dị tật này cũng có thể phối hợp với các dị tật khác nữa như có thể có bất thường về nhiễm sắc thể, dị tật ở hệ tiết niệu... Do vậy cần đưa trẻ bị bệnh đi khám sớm để phát hiện bệnh và có kế hoạch điều trị bằn phẫu thuật vào những thời điểm thích hợp.
Lỗ đái lệch thấp
Lỗ đái lệch thấp là dị tật bẩm sinh của dương vật làm cho niệu đạo, vật hang, vật xốp, qui đầu và da qui đầu phát triển không hoàn toàn. Lỗ niệu đạo có thể nằm ở bất kỳ vị trí nào trên thân dương vật, thậm chí có thể nằm ở bìu hay tầng sinh môn.
Lỗ đái lệch thấp có tỉ lệ 1/300 trẻ mới sinh.
Điều trị lỗ đái lệch thấp cần phải làm thẳng đứng dương vật, tạo hình lại niệu đạo đưa lỗ niệu đạo ra đúng vị trí qui đầu. Mục tiêu của quá trình điều trị là tạo nên một dương vật bình thường về mặt chức năng và giải phẫu.
Dị tật này cũng có thể phối hợp với các dị tật khác nữa như có thể có bất thường về nhiễm sắc thể, dị tật ở hệ tiết niệu, tinh hoàn không xuống bìu... Do vậy cần đưa trẻ bị bệnh đi khám sớm để phát hiện bệnh và có kế hoạch can thiệp phẫu thuật vào những thời điểm thích hợp.
Thận niệu quản đôi
Dị tật này khá phổ biến, có khi tồn tại suốt đời bệnh nhân hoặc chỉ được phát hiện một cách tình cờ. Phần lớn các trường hợp thận - niệu quản đôi dẫn đến biến chứng nặng nề làm mất chức năng thận, thậm chí tử vong.
Thận - niệu quản đôi có thể bị cả hai bên (tức là bệnh nhân có bốn thận) hoặc chỉ một bên (có ba thận). Cặp thận đôi gắn vào nhau thành một khối nhưng vẫn có ranh giới. Thận ở trên là phụ nên thường nhỏ hơn thận chính nằm dưới. Hai niệu quản của thận đôi thường tách rời nhau và đổ vào bàng quang. Có trường hợp chỉ niệu quản của thận chính đổ vào bàng quang còn niệu quản kia đổ ra ngoài, gây nên hiện tượng đái rỉ.
Có khi cả hai niệu quản đều đổ vào bàng quang nhưng không đúng vị trí. Lỗ niệu quản trên thường đổ vào vị trí cao hơn bình thường và lỗ niệu quản dưới ở vị trí thấp (gần cổ bàng quang, ngay dưới cổ bàng quang, niệu đạo; ở nữ thì đổ ra ngoài niệu đạo, thậm chí âm đạo).
Các biểu hiện chính bao gồm:
Nhiễm trùng đường tiết niệu: Là trường hợp hay gặp. Bệnh nhân có thể sốt nóng rồi rét run, nhiệt độ có khi lên tới 39-40oC; nước tiểu đục.
Đái dắt: Ngoài những lần tiểu thành bãi bình thường, nước tiểu cứ rỉ ra liên tục từ lỗ niệu.
Tiểu khó hoặc không tiểu được: Bệnh nhân rất khó chịu và đau tức. Ở trẻ gái, có thể thấy một khối tròn nhỏ chui ra từ lỗ tiểu, bịt kín lỗ này.
Bàng quang căng to: Nhìn vùng dưới rốn thấy có một khối nổi lên, nắn vào thì bệnh nhân rất đau tức và muốn tiểu, nhưng không tiểu được.
Thận - niệu quản giãn căng: Nhìn thấy một bên mạn sườn căng phồng, to hơn bên đối diện. Nắn thấy một khối u mềm, căng.
Bệnh nhân thận - niệu quản đôi có thể bình thường hoặc gầy sút, mệt mỏi, đôi khi phù nhẹ toàn thân. Để xác định bệnh, ngoài khám lâm sàng, người bệnh cần được xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm, chụp X-quang thận - niệu quản và bàng quang.
Tùy theo chức năng của thận đôi, bác sĩ sẽ chọn cách xử trí như: bảo vệ thận đôi bằng cách chỉ mở túi sa niệu quản; nối lại niệu quản của thận phụ vào bàng quang; cắt bỏ đi thận và niệu quản phụ.
Dị tật đường tiết niệu của trẻ em có rất nhiều loại và lại có thể kết hợp với nhau, với những dị tật hoặc bệnh ở các bộ phận khác. Do vậy, cần có sự quan tâm của các bậc phụ huynh, kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường, đưa trẻ đến khám sớm, bệnh mới bắt đầu thì việc điều trị có kết quả tốt.
ThS. Nguyễn Vân Anh 


Có tới 45% số trẻ ở độ tuổi mẫu giáo bị hẹp bao quy đầu. Tuy vậy cha mẹ ít để ý đến khi con còn nhỏ. Đến tuổi trưởng thành và lập gia đình, không ít người đã không có được hạnh phúc làm chồng, làm cha trọn vẹn. Đáng lưu ý, 90% số ca ung thư dương vật hiện nay bắt nguồn từ tình trạng này.


1 nhận xét: