Thứ Bảy, 5 tháng 7, 2014

Nội soi lấy thận: Tốt cho cả người cho và nhận thận

Mới đây, Bệnh viện 19-8, Bộ Công an đã thực hiện thành công ca ghép thận cùng huyết thống thứ hai, tiếp tục đưa kỹ thuật cao này trở thành thường quy. Tuy nhiên, điều đặc biệt của ca ghép thận này là bệnh viện đã thực hiện tốt kỹ thuật lấy thận từ người cho bằng phương pháp nội soi, một phương pháp khó nhưng ít biến chứng và có khả năng phục hồi nhanh hơn so với phẫu thuật mở.
 Một ca nội soi lấy thận.
Người bệnh may mắn
Ông Nguyễn Văn Đảo, 51 tuổi (xã An Ấp, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) là người cho thận đầu tiên ở miền Bắc được phẫu thuật bằng phương pháp nội soi. Thận của ông đã được ghép cho con trai là Nguyễn Duy Đ. 31 tuổi, bị suy thận độ 4 và đã chạy thận nhân tạo 345 lần. Phẫu thuật nội soi lấy thận là một phương pháp khó, đòi hỏi phẫu thuật viên không những phải nắm chắc chuyên môn mà còn cần có sự khéo léo trong quá trình bóc tách động mạch, tĩnh mạch thận để đảm bảo thận được lấy ra an toàn. PGS.TS. Trần Minh Đạo - Giám đốc Bệnh viện 19-8 cho biết, phẫu thuật lấy thận có hai phương pháp là mổ mở và nội soi. Cả hai phương pháp đều không ảnh hưởng đến chức năng của thận nhưng mổ nội soi có thể thấy rõ ràng hơn các mạch máu để bóc tách. Tuy nhiên, khi mổ mở vẫn còn một số hạn chế do trường mổ hẹp, bàn tay con người rất khó đi vào các vị trí sâu. Phẫu thuật nội soi có thể khắc phục nhược điểm này của phẫu thuật mở, phẫu thuật viên bằng các dụng cụ nội soi có thể vươn tới vị trí định phẫu thuật mà bàn tay con người không tới được nhằm đảm bảo độ dài của động mạch, tĩnh mạch để ghép. Bên cạnh đó, phẫu thuật nội soi đã đáp ứng được yêu cầu của ghép tạng hiện nay là không chạm đến tạng lấy, bảo toàn đầy đủ chức năng của thận được ghép.
Lợi ích từ phẫu thuật nội soi lấy thận
PGS.TS. Trần Minh Đạo cho biết, để thực hiện phương pháp này, thầy thuốc sẽ mở ba lỗ để đưa trocar vào vị trí cần được phẫu thuật, sau đó mở thêm một lỗ mổ khoảng 4cm ở phía dưới hố chậu để đưa quả thận được cắt ra ngoài. Khi thực hiện phẫu thuật nội soi lấy thận thì người cho thận sẽ phục hồi rất nhanh, đảm bảo chức năng thẩm mỹ do vết mổ nhỏ (trong khi phẫu thuật mở sẽ để lại vết sẹo dài 20cm), người cho thận chỉ phải tách cơ, không phải cắt nên không đau và sớm hồi phục. Sau 1 giờ đồng hồ, người cho thận đã tỉnh táo hoàn toàn (trong khi mổ mở phải mất vài ba tiếng) và sau 4 ngày có thể xuất viện. Mặc dù rất ít gặp nhưng phẫu thuật nội soi lấy thận cũng có biến chứng như tuột clip gây chảy máu và những biến chứng chung của phẫu thuật nội soi. Để khắc phục điều này, TS. Hoàng Anh Dũng, Bệnh viện Erasme- Brussels- Bỉ cho rằng, để thực hiện tốt phẫu thuật nội soi lấy thận, phẫu thuật viên phải có sự khéo léo và thực hành nhiều để nắm chắc những yêu cầu cơ bản trong phẫu thuật nói chung và bóc tách thận nói riêng để đảm bảo chức năng của thận được lấy và chức năng của các bộ phận khác trong cơ thể không bị ảnh hưởng. Mổ nội soi lấy thận ngoài những dụng cụ thông thường thì cần thêm một kìm chuyên dụng để cầm máu cuống thận vì cuống thận tương đối lớn, khả năng mất máu cao nếu không được xử lý kịp thời.
 Mô phỏng kỹ thuật lấy thận qua nội soi.
Phẫu thuật nội soi trên thế giới được ứng dụng trong khoảng 80% số trường hợp, 20% là mổ mở trong khi con số này ở Việt Nam hoàn toàn ngược lại, chỉ có khoảng 20% trường hợp được phẫu thuật nội soi. Tuy nhiên, phương pháp này hiện đang được mở rộng để điều trị nhiều bệnh khác như cắt túi mật nội soi, khâu thủng dạ dày nội soi, cắt u xơ tuyến tiền liệt nội soi, cắt u tuyến thượng thận nội soi, điều trị sỏi thận, đài bể thận nội soi, cắt u xơ tử cung nội soi... và gần đây nhất là lấy thận nội soi. Với những ưu điểm so với mổ mở, nội soi lấy thận không chỉ đảm bảo tốt sức khỏe của người cho thận mà trong tương lai còn có thể mở rộng đối tượng cho thận, góp phần đem lại cuộc sống bình thường cho nhiều người bệnh suy thận giai đoạn cuối.     
 
      Hiện nay nước ta có gần 6 triệu người dân đang bị bệnh suy thận (chiếm 6,73% dân số), trong đó 80.000 người đã chuyển sang giai đoạn cuối. Có khoảng 16.000 người lớn và 8.000 trẻ em cần được ghép thận. Đây là phương pháp điều trị lý tưởng cho những trường hợp chức năng của cả hai quả thận đều bị tổn thương trầm trọng, không thể hồi phục. Lý do là quả thận được ghép có thể đảm đương hoàn toàn được những chức năng của hai quả thận đã bị tổn thương như loại thải chất độc, điều chỉnh những rối loạn môi trường của cơ thể... trong khi các phương pháp khác vẫn được ứng dụng hiện nay như chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng chỉ thực hiện được một phần chức năng của quả thận.      

Lê Thu Lương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét